Che Giấu Cảm Xúc

Đa phần chúng ta đều chỉ bộc lộ ra bên ngoài một phần những gì mà bản thân đang cảm thấy và đều giữ lại điều gì đó bí mật cho riêng mình. Ví dụ ở nơi làm việc, chúng ta ghét sếp mình, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể công khai bày tỏ cảm xúc ghét bỏ của mình được vì điều đó khả năng cao là sẽ khiến chúng ta mất việc. Trong tình huống này chúng ta sẽ phải kiềm chế tối đa việc biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài. Giảm biểu hiện ra bên ngoài của cảm xúc là ức chế cảm xúc. Phần lớn người trưởng thành chúng ta rất giỏi trong việc kìm nén cảm xúc của mình và làm điều đó thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày để tránh tranh cãi, xung đột hoặc để duy trì các mối quan hệ xã hội. Ức chế cảm xúc có lợi cho chúng ta trong giao tiếp xã hội, vậy ức chế cảm xúc có lợi ích nào khác ngoài những lợi ích xã hội hay không?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù ức chế cảm xúc làm giảm các dấu hiệu bên ngoài của cảm xúc, nhưng nó không làm giảm trải nghiệm cảm xúc bên trong của một người.

Ví dụ: Nếu một người buồn bã vì bị điểm kém nhưng cố nén nỗi buồn và tỏ ra vui vẻ với bạn bè để tránh xấu hổ, thì người đó đã thành công che giấu cảm xúc của mình với người khác, nhưng điều đó không làm thay đổi mức độ buồn bã mà người đó thực sự đang cảm thấy. Việc che giấu cảm xúc của một người không làm cho những cảm xúc đó mất đi.

Chúng ta chỉ bộc lộ cảm xúc ở mức đủ để củng cố một hình ảnh mà chúng ta muốn thể hiện ra với thế giới bên ngoài và ở mỗi người mỗi khác. Có người thấy dễ dàng bộc lộ cảm xúc, một số lại không như vậy.

Việc sẵn sàng bày tỏ cảm xúc với người khác hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta cảm nhận về bản thân mình. Nếu chúng ta tự tin vào bản thân và cảm thấy thoải mái với hình ảnh mà mình đang cố tạo ra trong mắt mọi người, chúng ta sẽ khá thoải mái thể hiện những cảm xúc của mình

Theo nhà tâm lý học lâm sàng Leon F. Seltzer , có rất nhiều lý do để chúng ta cố gắng che dấu cảm xúc của mình, một trong những nguyên nhân đó xuất phát từ niềm tin tiêu cực về bản thân liên quan đến một người hoặc một tình huống cụ thể nào đó. Nhưng nhìn chung đó đều là những trải nghiệm gây ra sợ hãi.

Bắt đầu là các trải nghiệm từ thời ấu thơ liên quan tới mối quan hệ với cha mẹ, những người thân thiết trong gia đình, tiếp đến là giáo viên, bạn bè, sau này là đồng nghiệp, những mối quan hệ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tính cách của một người và cách thức đưa ra các lựa chọn tương tác của người đó. Thông qua các trải nghiệm đó, mỗi người sẽ bắt đầu hình thành cách xử lý cảm xúc cá nhân: mức độ cởi mở và cách thể hiện chúng.

Chuyên gia tâm lý học Steven Tuber đến từ đại học City College trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ sẽ thuận theo cha mẹ để chúng có thể có được điều kiện tốt nhất có thể, cho phép chúng có được tình yêu mà chúng cần, hoặc đơn giản là sống sót qua thời thơ ấu với ít tổn thương nhất có thể.

Ông cho biết mọi người sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tạo ra các dạng thức thích nghi phù hợp nhất đối với họ. Nếu một đứa trẻ còn rất nhỏ, hoặc một đứa trẻ trong năm đầu tiên, thứ hai hoặc thứ ba của cuộc đời, nhận ra rằng nếu chúng hành động theo một cách nào đó làm tăng đáng kể cơ hội nhận được những điều tốt nhất từ cha mẹ dành cho mình, chúng sẽ có xu hướng hành động theo cách đó.

Khi một đứa trẻ than phiền với bố mẹ về những rắc rối ở trường học và các bậc phụ huynh cười nhạo nó, bảo với nó rằng điều đó thật ngớ ngẩn thì nó sẽ học cách che dấu những cảm xúc của mình để nó tiếp tục duy trì được tình cảm và sự quan tâm mà nó cho là tích cực của bố mẹ dành cho nó.

Chúng ta che giấu cảm xúc vì lo sợ về cách người khác nhìn nhận về mình và thậm chí là lo sợ về hình ảnh của chính mình. Phản ứng chúng ta thường làm im lặng và rút lui. Mà nhiều người trong chúng ta chắc hẳn cũng đều đã có đôi lần cố gắng giao tiếp với những người chỉ biết im lặng và không phản hồi. Thật khó chịu và khó hiểu đúng không? Rất khó để nói chuyện và hiểu được ai đó nếu họ không bày tỏ những gì họ đang thực sự cảm thấy. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang trao cho họ thứ mà họ thực sự muốn, nhưng than ôi sự thật lại có khi không như những gì chúng ta nghĩ đâu.

Việc che giấu cảm xúc về lâu dài không chỉ gây hại tới bản thân mà nó còn gây tổn hại tới những mối quan hệ gần gũi và có ý nghĩa đối với chúng ta. Do đó điều quan trọng là hãy tìm hiểu tại sao chúng ta lại che giấu cảm xúc, và học cách nhận biết lúc nào thì người khác cũng đang làm điều tương tự. Việc này sẽ giúp cả đôi bên bày tỏ cảm xúc chân thực hơn với nhau. Chúng ta đôi khi chỉ trao cho nhau một câu hỏi rất đơn giản là, “Đó có phải là cảm nhận thật của bạn không?” Nếu câu trả lời là Có thì hãy hỏi tiếp câu hỏi ‘Tại sao bạn lại cho là như vậy?”

 

Mọi người đều thích

Messtori

Dành cho bạn