Am em scent
Ấm Êm Scent - Tạo ra những khoảnh khắc khó quên từ hương thơm

Ngồi Sau Lưng Cha Là Điều Bình Yên Nhất

 
Cuộc gọi lúc nửa đêm của ba khiến tôi tỉnh giấc, trong cơn mê mệt tôi đã càu nhàu vì ba làm lỡ giấc mộng của mình, nhưng người đáng trách ở đây là tôi chứ không phải Ba. Bởi Ba đã từng thức trắng đêm, nhẫn nại dỗ dành mỗi tôi quấy khóc khi còn bé, từng giấc ngủ của ba thời ấy cũng đã bị tôi đánh thức nhiều lần. Có những hôm Ba gọi chỉ để hỏi hôm nay con ăn gì, dạo này học hành vẫn ổn chứ, rồi đi làm có mệt mỏi lắm không, chỉ thế thôi rồi Ba tắt máy. Đôi khi chúng ta lại cư xử nhẹ nhàng tử tế với người lạ nhưng lại dễ dàng nổi cáu với những người thương ta nhất.
 
Ba tôi vốn chẳng nói nhiều như Mẹ, ông thích hành động hơn là nói những lời yêu thương. Lúc còn bé tí, có lần giận Mẹ tôi bỏ ra nhà ngoài khóc một mình, hôm đó Ba đi làm tận tối khuya mới về, đôi mắt hằng rõ sự mệt mỏi sau cả ngày dài, nhưng ông vẫn kiên trì ngồi dỗ tôi nín, ông vuốt ve tóc tôi, kéo vào lòng rồi thơm lên tóc tôi bằng tất cả sự âu yếm của một người Cha tần tảo. Càng lớn tôi càng nhận ra, tình yêu thương mà ông dành cho anh em tôi to lớn đến nhường nào, nhưng chỉ là yêu thương dưới ánh mắt lo toang, chăm sóc, vì ông chỉ biết yêu thương theo cách mà người Cha thời cũ, vẫn hay làm là lặng lẽ dõi theo.
 
Tôi còn nhớ đã lâu lắm rồi, vào những ngày hè tháng 7 của Miền Trung, Ba đưa tôi đi thi chuyển cấp vào lớp 10, lúc đầu tôi không chịu để Ba đưa đi, tôi thích đi với bạn bè hơn vì tụi nó vui lắm, chúng tôi có thể kể nhau nghe rất nhiều thứ mà chẳng hề lo lắng gì đến thi cử. Nhưng Ba tôi không cho, một mực chở tôi đi cho bằng được.
 
Trưa hôm đó Mẹ soạn cho tôi một túi bóng nhỏ trong đó có chai nước mẹ vừa nấu sôi lúc nữa buổi, có một hộp sữa con bò mà tôi thích uống nhất, có thêm cả vài miếng bánh bông lan tôi thường dành với em mình mỗi lúc mẹ đi chợ về. Mẹ treo lên xe và dặn Ba phải chăm tôi thật kỹ. Ba tôi cười lớn rồi bảo “Yên tâm đi bà nghe” rồi quay ra khóa mũ cho tôi. Lúc đó tôi bé lắm ngồi lọt thỏm sau lưng Ba, nắng chiếu vào nóng lắm, nhưng Ba che hết cho tôi rồi. Khi đến trường, Ba dặn tôi đủ điều và dặn tôi ghi số điện thoại của Ba vào giấy rồi bỏ vào trong túi quần nhở có chuyện gì mà không nhớ thì nhờ Thầy Cô gọi cho Ba ngay. Ba lo xa, chứ số điện thoại Ba tôi nhớ hồi lúc 10 tuổi rồi mà. Ba còn dặn thêm cố gắng tập trung Ba luôn đứng ở phía ngoài hàng rào của cổng trường chờ tôi.
 
Tôi gật gù rồi quay lưng bước đi, cùng lũ bạn đứng chờ phía trước cổng, Ba vẫn lặng yên ở đấy, ánh mắt vẫn dõi theo tôi, mỗi lần tôi quay lại nhìn, Ba đều quơ ngón tay rồi đưa ngón cái lên cỗ vũ ý niệm Ok. Lúc này sao tôi thấy thương Ba mình quá thể. Hôm nay nắng to, tiếng ve của những ngày hè vẫn âm ả sân trường, gió Nồm hực hực nóng rát cả da thịt, có một người đàng ông ngồi đó, mong chờ “người đàn ông nhỏ bé của mình”.
 
Trong suốt những năm tháng ngồi trên giảng đường, trải qua biết bao kì thi quan trọng. Ba luôn là người đưa tôi đi, Ba luôn căn dặn tôi bình tĩnh tự tin làm bài, cố gắng 100% sức lực, lúc nào cũng thế, luôn tạo tâm trạng thoải mái nhất cho tôi và mà bạn biết đấy, đám trẻ con hồi ấy nào thấu được điều này.
 
Rồi đến ngày thi đại học, nếu như chúng ta lo lắng một thì ba mẹ ta lo gấp mười, những người Cha người Mẹ ấy mồ hôi nhễ nhại ngồi dưới cái nắng 40°C chỉ để chờ những đứa con của mình , tìm chúng giữa biển người rồi hỏi con làm bài ổn không??? Nhưng thay vì câu trả lời con làm rất tốt thì hầu hết đám trẻ lại trách Ba Mẹ sao lại hỏi nhiều thế. Chúng ta đừng bao giờ đổ lỗi cho Ba Mẹ vì những lỗi lầm mà mình gây ra để sau này phải hối hận.
 
Ngày tôi bước chân lên xe vào Sài Gòn học tập, với bao nhiêu niềm mơ ước và hoài bão nơi xứ người. Hôm ấy Mẹ tôi khóc, Ba thì đứng từ xa trầm ngâm nhìn tôi sửa soạn quần áo, con bé em thường ngày gây gổ thì nay cũng thút thít theo tôi xếp đồ, chuẩn bị đồ cho anh hai đi xa. Tôi cũng háo hức, nhưng cái cảm giác xa nhà, xa gia đình lúc ấy đối với tôi cũng là một điều tồi tệ.
Tôi vác balo bước lên xe, Ba tôi căn dặn đôi điều cho đứa con trai của mình với ánh mắt cứng cỏi gửi gắm bao hi vọng. Mẹ và đứa em gái khép vào nhau dùng tay gạt đi giọt nước rơi nhẹ ra từ khóe mắt. Xe chạy để lại sau lưng tôi là những con người tần tảo nơi quê nhà, mong chờ đứa con của mình sẽ bình an nơi xa lạ. Xe cứ thế lao đi, trên vai chàng trai 17 tuổi khi ấy là những móng ngong của Mẹ, là niềm tin cha chứa đầy tình yêu và hy vọng
 
Sau này khi tôi sống ở Sài Gòn đã đi rất nhiều nơi, trên xe của nhiều người khác, nhưng có lẽ không đâu là bình yên bằng ngồi sau xe của người Cha ở quê nhà, không ai có thể che nắng, che mưa cho tôi bằng tấm lưng thô ráp của Cha đã từng làm, cũng không còn ai ngó nghiên ngoài cổng trường mỗi khi tôi bước vào kì thi nào đó. Ve của những ngày hè ở đây vẫn kêu, nắng treo lửng lơ trên tầng nhà những ở mảnh đất này chỉ có một mình thôi.
 
Sau này khi ăn ở rất nhiều nơi, có nhiều món lạ lẫm khác, nhưng cũng không món nào ngon bằng món Mẹ nấu, cũng không có cái bánh nào “thương” như của con em gái lúc còn bé. Những ngày làm về chỉ gọi cho Ba Mẹ hỏi xa dăm ba câu, rồi lại lao vào bếp nấu ăn, hoặc qua loa hộp cơm tiệm, vẫn ăn nhưng không có tiếng cười của Ba, tiếng mắng của Mẹ, chỉ có một mình thôi. Đôi lúc nhớ nhà nhưng cũng chỉ là nhớ thôi.
 
Thương Cha, Thương Mẹ, chờ con nhé, khi dịch bệnh qua đi, khi đất nước Bình An con sẽ về thăm nhà mình!
Sài Gòn ngày 16/06/2021
*****
0/5 (0 Reviews)

Mọi người đều thích

Messtori

Dành cho bạn